Phần II: Cháy bỏng niềm tự hào quá khứ

1895

Phần II: Cháy bỏng niềm tự hào quá khứ

Người dân Liverpool luôn nhắc tới cụm từ “Ngày hôm qua”. Bởi với họ, ngày hôm qua đồng nghĩa với chiến thắng, với vinh quang rực rỡ. Ít có nơi đâu sự ám ảnh của quá khứ lớn như thành phố bên dòng sông Mersey này. Từng bị tàn phá nặng nề sau thế chiến II, hiện đang lâm vào suy thoái kinh tế trậm trọng với 30% dân số thất nghiệp, nhưng người Liverpool luôn cháy bỏng một niềm tự hào về “Ngày hôm qua”. Bốn thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles đều sinh ra tại nơi đây và từng có những buổi biểu diễn đầu tiên tại những hầm rượu tồi tàn của thành phố vào những năm 60. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra một đội bóng mà tiếng tăm đã lừng lẫy khắp địa cầu: Liverpool FC.

Lịch sử Liverpool FC có lẽ chỉ gói gọn trong 40 năm – dẫu đội bóng “Áo đỏ” đã có hơn 100 năm tồn tại. Chỉ khi Shankly tới Anfield Road năm 1959, Liverpool mới thực sự “tồn tại” trong lòng những người hâm mộ bóng đá thế giới, mới là hình ảnh của một Liverpool FC vĩ đại. Trong 40 năm ấy, biết bao truyền thuyết được tạo dựng, biết bao kỹ lục bị phá vỡ, biết bao ngôi sao rực sáng tại Anfield.

[IMG]
Liverpool những ngày đầu

Nhưng cũng phải nhắc tới ngày Liverpool FC chào đời, một cuộc chia tách với người anh em Everton, đội bóng sau này luôn “Mặt trăng Mặt trời” với Liverpool trong các trận Derby của thành phố. Sự ra đời của Liverpool khá độc đáo: do giá thuê đất tăng, Everton bỏ khu đất nằm ở Anfield Road mà John Houlding, một người kinh doanh bất động sản, cung cấp. Houlding gấp rút xây dựng một đội bóng để chơi trên chiếc sân trống ấy, và Liverpool FC ra đời.

Trong những năm “tiền Shankly”, Liverpool không phải không có những giây phút thăng hoa. Họ từng 5 lần giành chức VĐQG và đã sản sinh ra một loạt ngôi sao lớn, tiêu biểu nhất là Bill Liddell – siêu tiền đạo đầu tiên của CLB. Matt Busby, gương mặt nổi đình nổi đám sau này khi dẫn dắt M.U giành Cúp C1 năm 1968, cũng từng khoác áo Liverpool với hơn 100 trận.

Khi Shankly xuất hiện tại Anfield vào năm 1959, Liverpool FC vẫn chơi ở hạng hai. 14 năm lao động miệt mài, Shankly đã biến một đội bóng vô danh trở thành một đội bóng hùng mạnh của nước Anh và bắt đầu hướng tới Châu Âu. Với những ngôi sao như St.John, Callagan, Yeats và tiền đạo Roger Hunt, Liverpool đã được lên hạng mùa 1962-1963, giành Cúp FA năm 1965, lọt vào chung kết Cúp C2 năm 1966, giành chức VĐQG năm 1964, 1966. Giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ (1973), Shankly giúp Liverpool giành chức VĐQG và Cúp UEFA. Trước khi ra đi, ông giới thiệu với thế giới một ngôi sao mới, Kevin Keegan.

Rồi Paisley tiếp bước. Miễn cưỡng bước vào nghiệp HLV, đến bản thân ông cũng không ngờ mình lại có một bảng thành tích chói sáng như thế. Trong 9 năm đương nhiệm, ông giành nhiều danh hiệu hơn bất cứ ai trong lịch sử bóng đá Vương quốc Anh – bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của các đội bóng Anh thời bấy giờ, tiêu biểu là Nottingham Forest của Brian Clough. Trong số các danh hiệu mà Paisley mang lại, đáng kể nhất là 3 chiếc Cúp C1 năm 1977, 1978 và 1981. Một thế hệ của Paisley ra đời với thủ môn Clemence, các hậu vệ Phil Neal, Thompson, Hansen, Smith, Kennedy, các tiền vệ Case, Souness, Heighway, Fairclough, các tiền đạo Dalglish, Rush… Trong thời kỳ Paisley, cả Châu Âu phải khiếp sợ mỗi khi phải đối mặt với “Đoàn quân đỏ”(RedArmy) – một đội quân tóc dài như những ngôi sao nhạc Rock của những ban nhạc Deep Purple hay Led Zepplin thời đó.

Liverpool vẫn hùng mạnh dưới triều đại ngắn ngủi của Fagan (1983-1985). Họ mất hẳn ảnh hưởng ở Châu Âu dưới thời của Dalglish (1986-1991) do bị cấm thi đấu sau thảm hoạ Heysel. Nhưng ở nước Anh, họ vẫn là số một. Những John Barnes, Aldridge, Grobbelar, Nicol, Beardsley… tiếp tục giữ “ngai vàng” ở nước Anh trong những năm cuối của thập niên 80, mặc dù đã có dấu hiệu của sự xuống dốc.

Nhưng Arsenal, Leeds và sau đó là Manchester United bắt đầu thay Liverpool thành những ông vua mới của bóng đá Anh. Thay Dalglish vào năm 1991, Souness không thể cưỡng lại xu thế ấy dù vẫn còn John Barnes, Ian Rush, Whelan, Houghton và được tăng cường thế hệ trẻ như McManaman, Fowler, Ruddock… Được tăng cường nhiều cầu thủ nước ngoài, cộng với sự trưởng thành của lứa trẻ tiêu biểu là Michael Owen nhưng triều đại Evans và Houllier sau này đành ngồi nhìn M.U chiếm hết danh hiệu này tới danh hiệu khác.

Theo TTVH

 

Facebook Comments